ĐỌC THƠ ĐOÀN NGUYỄN TUẤN DƯỚI GÓC ĐỘ PHÊ BÌNH SINH THÁI HỌC

Nguyễn Thanh Lộc

Đoàn Nguyễn Tuấn với giới văn chương không phải là một cái tên xa lạ nhưng cũng không phải là một cái tên được nhắc đến nhiều trong làng văn nghệ. Thứ nhất vì tài liệu nghiên cứu về ông còn quá ít ỏi, chỉ biết ông có mối quan hệ họ hàng với đại thi hào Nguyễn Du (anh vợ). Thứ hai, tập thơ ông để lại so với những thi nhân tài danh đương thời khó bì kịp vì trong khi các nhà thơ trung đại như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã có ý thức trong việc thoát khỏi những lề lối, niêm yết trong sáng tác văn chương hầu bộc lộ cái tôi cá nhân thì ở Đoàn Nguyễn Tuấn, những câu thơ mà ông trước tác lại nồng nã tính cổ điển, hơn nữa lại vô cùng trau chuốt, nói như Giả Đảo đời nhà Đường: “Xuân quang biệt ngã khổ ngâm thân” (春光別我苦吟身 – Mùa xuân đang dần rời bỏ ta – tấm thân đang ngày đêm khổ sở vì ngâm thơ). Với giới văn chương hiện đại mà nói, cách làm thơ như thế khá lạ lẫm và diệu viễn, nặng về ước lệ, lắng về tập cổ, thật khó mà chạm vào được cảm xúc của những kẻ đã đi qua lịch sử. Tuy nhiên, nếu không đặt thơ văn Hải Ông trong tình thế lịch sử để truy tầm những đặc sắc nghệ thuật mang ý niệm thâm trầm, sẽ rất nan giải trong việc nhận chân tài năng cũng như phong cách của y. Trong cuốn Tây Sơn Thuật Lược (Khuyết danh) có không ít câu dè bỉu một cách hóm hỉnh Đoàn Nguyễn Tuấn như sau: “Hay lại quên tình đối với vườn cũ, khom lưng uốn gối ở triều đình giặc, không ký thác cảm hứng với cỏ hoa mà lại dưỡng thân ở vườn văn, không nhàn ngâm với gió trăng mà lại đi theo phục vụ cho đoàn đi sứ. Nghĩ rằng tấm thân của Tuấn ta chưa từng một ngày nào ngồi yên ở tổ, há chẳng phải là phụ hẹn ước trước kia sao? Ông Thụy Nham [Phan Huy Ích] tặng thơ [cho Tuấn] có câu: “Hoa ổ phi cư phụ cố sào” (花塢非居負故巢 – Vườn hoa không ở đành phụ với tổ xưa) [là thế]”. Điều đó cho thấy, khi nương theo những thăng trầm về mặt lịch sử, đâu đó trong giới văn nghệ, giới thi đàn vẫn còn hiện hữu những luồng ý kiến tương phản, đòi hỏi một cuộc “giải oan” xác đáng cho những công lao của các bậc tiền nhân đi trước. Và do đó, tôi xin mượn thơ cụ Tuấn hầu bày tỏ nỗi lòng của một người con, một người hậu bối trước một bậc thức giả, một bậc tiền bối dưới góc nhìn phê bình mới của văn học hiện đại – Phê bình sinh thái (ecocriticism).

Tại sao chọn phê bình sinh thái làm góc nhìn? Tại sao lại lấy thơ Đoàn Nguyễn Tuấn làm đối tượng giảng bình? Nhà phê bình sinh thái Mĩ – Cheryll Glotfelty có viết: “Phê bình sinh thái là phê bình bàn về mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên”.(1) Tức đặt vấn đề môi trường làm xâu chuỗi nối kết các vấn đề khác tồn hữu trên thế giới. Tình trạng thiên nhiên ngoại giới và môi trường sinh tồn ngày càng trở nên kiệt quệ, đặt thế giới vào tình thế cấp bách buộc con người phải có một ý thức hệ nhất định, thậm chí phải đạt đến tầm cao nhận thức trong việc bảo vệ những giá trị vốn có thuộc về quy luật của tự nhiên. Năm 1996 nhà phê bình sinh thái Mĩ là Cheryll Glotfelty trong sách Văn bản phê bình sinh thái do bà chủ biên nêu định nghĩa phê bình sinh thái là: “Phê bình sinh thái nghiên cứu mối quan hệ con người và môi trường vật chất xung quanh. Cũng giống như phê bình nữ quyền từ góc độ giới tính mà phê bình ngôn ngữ và văn học. Phê bình mác xít đem phương thức sản xuất và tự giác giai cấp làm nguyên tắc đọc hiểu văn bản, thì phê bình sinh thái lấy tư tưởng quả đất làm trung tâm để phê bình văn học.” (2) Và do đó, phê bình sinh thái trong văn học ra đời đi theo “chủ nghĩa sinh thái trung tâm” coi tự nhiên, sinh quyển đương hiện hữu làm đối tượng trung tâm, đối lập hoàn toàn với “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” cho con người làm điểm nhìn tập trung của mọi liên kết xã hội và tự nhiên, tức phản bác hoàn toàn với quan niệm nghiên cứu truyền thống, đại diện với câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Văn chương và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Không cần phải đợi khi lập thuyết mới có chủ trương phê bình này, ngay từ thuở văn chương vừa mới khởi sự, các nhà triết gia Đông Á đã nhận thấy mối liên hệ cốt tủy giữa mình và môi trường vô nhân xung quanh mình (nonhuman surroundings). Môi trường đó tồn tại trong thơ, hiển hiện, dung dưỡng trong thế giới văn chương như một bộ phận thiết yếu vạch ra những cảm quan sinh động của con người về thế cuộc, nói như Lão Tử: “Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn. Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần”. (谷神不死,是謂玄牝,玄牝之門,是謂天地根。綿綿若有,用之不勤 – Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu); cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất. Dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (hay không mệt)) (3) Tư tưởng trên của Lão Tử không bàn về sự tồn tại của con người (môi trường vô nhân) mà bàn về căn nguyên và gốc tích của vạn vật. Nếu có thì hình tượng con người ấy cũng đã trải qua một quá trình lý tưởng hóa, vĩ đại hóa, đã nhập thân vào vạn cảnh (mẹ huyền nhiệm) hầu khẳng định một cách chắc nịch sức bền của tự nhiên, vinh diệu những thứ thuộc về bản thể và tự đó đi vào văn chương một cách tự nhiên từ độ hoan thiên hỉ địa. Các nhà phê bình sinh thái chuyên nghiệp thường nhận định rằng: Đâu đó vẫn có một tiếng gọi tự nhiên nội tại (inner nature echo) trong lòng người. Điều đó cho thấy từ xưa, văn học đã quan niệm trong con người vẫn hằng hữu những bản năng khởi sự từ tự nhiên, đó là cảm thức cô tịch ánh lên sau một quá trình đằng đẵng cố gắng “thoát khỏi, chinh phục tự nhiên” (như dân gian quan niệm). Trong một khoảnh khắc thức thời, thứ bản năng ấy một lần nữa trổi dậy sau những bôn ba lắng lòng, bất ngờ hiện rõ trên trang giấy, trong tâm tư, ngoài con chữ. Điều này được biểu hiện vô cùng rõ ràng, biệt bạch trong thi văn của các nhà văn trung đại thuở trước trong hoàn cảnh khi các yếu tố “vô nhân”, tức cái tôi chưa động chạm gì đến phong cách sáng tác nghệ thuật. Không chỉ riêng Đoàn Nguyễn Tuấn mà những nhà thơ danh lừng như Nguyễn Trãi: “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt/ Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng” (Thơ tiếc cảnh bài 1) đặt thân đứng dưới góc nhìn nồng tính huyền thoại, thực tại trong thơ được huyễn hoặc hóa thành chốn thiên cảnh (trên mặt trăng có thỏ giã thuốc tiên) nhấn mạnh đến cái nguyên thủy, cái gốc của đạo (tức tự nhiên) hay như Nguyễn Bỉnh Khiêm với câu: “Thanh phong minh nguyệt vi ngô hữu/ Bích thủy thanh sơn độc tự ngu – Gió mát trăng sáng là bạn của ta/ Nước biếc non xanh vui riêng mình” (Tân quán ngụ hứng 24)” xoáy sâu vào cái lý huyền đồng, nhập thân vào vạn cảnh trước mắt. Tóm lại, trong lập luận phê bình sinh thái học, người ta chú ý ở ba đặc điểm: Thứ nhất, văn chương trong quá trình nghiên cứu bị đảo điểm nhìn từ “nhân” (con người) sang “cảnh” (ngoại cảnh). Thứ hai, nhấn mạnh đến sự trải nghiệm của chủ thể sáng tạo trong môi trường vô nhân, tri hóa thành tình cảm, thể hiện trong văn chương nồng nã tính vô ngã, hơn nữa tập trung đề cao tinh thần lý thuyết của Sinh thái học chiều sâu (Deep Ecology) qua việc nghiên cứu những “công trình xây dựng tự nhiên” hiển hiện trong những trang viết có ý thức của nhà văn. Thứ ba, phát triển thành nguồn ý thức đề cao lối sống tự nhiên, không riêng tây, trọng ngoại giới, ngăn chặn những tư tưởng manh tâm làm tổn hại bầu sinh quyển của cuộc sống cũng như của văn chương.

Đoàn Nguyễn Tuấn (段阮俊) tuy xuất thân trong một gia đình Nho giáo, có nề nếp, nặng gia phong nhưng tính tình của ông lại rất phóng đãng, hào hiệp, như ngọn Đông phong, chỉ tại vị cho triều đại Tây Sơn nhẵn hai mươi năm trời rồi biệt tăm về chốn Thiên Thai chẳng lưu lại dấu tích. Ngay ở cái tên Hải Ông (海翁 – ông già miền biển) cũng đã thể hiện trong đó cái ý vị ngang tàng, phóng tứ (海 còn có nghĩa là phóng túng, buông tuồng ví mình như “khách hải hồ” vậy) kia rồi. Nhiều lúc, ông hóm hỉnh nói rằng: “Bạch thủ trường đồ khổ vấn tân” (百首長圖苦問賓 – Bạc đầu rồi, chẳng quản xa vẫn tìm đường đến), điều đó cho thấy cụ Nguyễn Tuấn có một lòng nặng trĩu với thiên nhiên, với trời đất, phải chăng cái lối phóng dật, tiêu sái cùng vũ trụ kia là lẽ sống nghìn đời mà cụ đeo đẳng? Tuy mang danh là nho sĩ, sống dưới gót hài của Khổng gia, học giáo lý của Mạnh thị nhưng suốt những áng thơ ta đọc trong Hải Ông thi tập, hình tượng thiên nhiên mang phong vị Lão – Trang dường như bàng bạc khắp các con chữ, vần thơ của y. Phải là một kẻ đi nhiều, trải nghiệm nhiều, trăn trở nhiều, lo âu nhiều mới có thể ban phát chữ nghĩa, hí lộng ngôn từ vào sinh quyển nghệ thuật được phong phú như thế! Và do đó, khi đọc thơ Đoàn Nguyễn Tuấn dưới góc độ phê bình sinh thái học, tôi nhận thấy giữa cụ và thiên nhiên, như có một mối giao cảm nào đó mật thiết, mãnh liệt, chặt chẽ và quyến luyến, tựa hồ như đứa con lạc lõng nay vô tình tìm về đúng với “bản lai diện mục”, với hồn cha, với quê mẹ. Trong thơ ông, có ba điểm đặc trưng mà người đọc thơ dưới góc độ này cần phải thấy:

Thứ nhất, giữa Nguyễn Tuấn và ngoại cảnh có sự tiếp đối tầng bậc, không phải là ý niệm phân luồng giai cấp như triết học Marxit mà là tư tưởng đối thoại của nhiều chức phận. Đó là sự hòa nhập giữa: cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung. Là sự tương giao giữa: cái “vĩ đại” và cái “tiểu nhi”, cái tình và cái cảnh. Là sự tương hợp, nhập nhoạng giữa nhiều giềng mối tình cảm như tình thiên nhiên, tình quê hương – đất nước, tình phụ – mẫu tử, tình con người… Chỉ khi chủ thể sáng tạo phân tách linh hồn ra thành hai thực thể biện bạch, nửa hồn ngao du chốn bồng lai, nửa hồn còn lại ngấm ngáp cái hương âm của “thế sự du du” mới có thể đủ sức ứng đương và khua ngòi bút một cách uyển chuyển đến thế! Trong bài thơ Nhự Hồ ngộ đại phong vũ hành lộ trướng dật, ông có phóng bút mà viết rằng: “Kim cúc chính Trùng Dương/ Hải Ông hà xứ túy” (金菊正重陽/ 海翁何處醉 – Cúc vàng nở đang đúng tiết Trùng Dương/ Hỏi Hải Ông say ở chốn nào?) (4, Tr. 66). Mượn “kim cúc” để đối với “Hải Ông”, mượn cái chung để nói cái riêng, lại mượn ngoại cảnh để nói về những sự riêng tây, thật là cái lý cao thâm mà trước giờ các bậc uyển ước văn nhân đều hành xử! Lại nói “hà xứ túy” tức đang trong trạng thái “vô định hình” về mặt nơi chốn, với ý nghĩa cái tôi đã nhập thân vào cái ta kì vĩ, đến nỗi không định vị được thế đứng, đó là cơn say mặc sức ngất ngưỡng của y cùng với ta bà tuế nguyệt. Ngụ trong văn chương, núp sau con chữ, trốn sau ý tứ, lấy thiên nhiên làm khoảng không dung thân, không phải tự Đoàn Nguyễn Tuấn đã coi thiên cảnh là “Ngôi nhà của Tồn sinh” (House of being) của mình rồi đó hay sao? Không phải “tiếng gọi tự nhiên nội tại” đã dấy lên rồi đó sao? Trong bài Vọng Na sơn ca, Nguyễn Tuấn bùi ngùi than thở: “Huyền hạc xung yên khứ hề, di hương tại danh cương, /Ngã dục tùng chi hề, thạch nham nham, vân mạc mạc, thụ thương thương” (玄鶴衝煙去兮,遺香在名岡,/我欲從之兮,石巖巖, 雲漠漠, 樹蒼蒼 – Hạc đen tung mây bay đi chừ, tiếng còn vẳng lại trên đỉnh danh sơn, / Ta muốn đi theo chừ, chỉ thấy đá cheo leo, mây man mác, cây xanh rờn) (4, Tr. 71) cho thấy cảm thức giữa cái “vĩ đại” là “đá cheo leo, mây man mác, cây xanh rờn” và cái “tiểu nhi” là “ngã” được phân hệ một cách rành rọt, dưới cái nhìn bé mọn của một thi nhân, mọi thứ dường như vượt quá tầm với. Hải Ông ví mình chỉ là một điểm chấm nhỏ nhoi, bé mọn, vô tình lạc lõng chốn phù sinh như chén rượu cỏn con mà vô tình thu – thấu vào được cái lẽ “vật ngã đạt quan”, cứ mình mình thư thích với cái lẽ sống hồn nhiên, tựa lưng vào hệ sinh cảnh mà nghe “tiếng hạc văng vẳng trên mây” (Đài đầu vân biểu hạc thanh thu) (4, Tr. 241), vong hẳn sự đời, hết cam tẩm lại “cúi xem sớm, tối bóng dương nhô” (Phủ khan đại khối ác triêu huân) (4, Tr. 291)

Thiên nhiên, đất nước Đại Việt trong thơ ông không chỉ giàu sụ về mặt hình ảnh, đa âm về mặt hình thanh mà còn đa diện về mặt hình tượng. Khi tiếp cận văn bản dưới góc độ sinh học trung tâm luận (biocentric), các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến những trạng thái nội tại đặt trong mối liên kết với nơi chốn (place-attachment) ở phạm vi địa phương hay vùng miền. Thông qua những phân tích trên và khi đặt thơ Nguyễn Tuấn trong mối tương hợp ấy, có thể thấy, mỗi bài thơ mà ông trước tác chính là một bước đệm nắm tay người đọc bôn ba qua khắp các ngả đường mà tưởng như ta đã biết. Nó hướng tầm mắt người đọc ra xa, phân ánh nhìn ra thành nhiều chiều kích quán chiếu mà thiên nhiên là vật thể tập trung. Từ mảnh lũy còn vương ven sông Nhị Hà sang đôi bờ vùng Nguyệt Đức “lịch loạn trùng sơn”, từ địa phận vùng Lạng Sơn, nghiêng mình trước cảnh núi Kháo chênh chếch so le, cụ Đoạn lại trở xuôi về đến đền Thần Nữ ở Đồng Loan (nay vẫn chưa rõ ở đâu), theo thuyền qua vùng Vị Kiều (Nam Định), lại bước vội qua đất Vân Sàng (Ninh Bình) để thao thức mà nghe “trường đoạn huyền viên khiếu thụ âm” (長斷玄猿蕭樹音 – Não nuột, vượn đen kêu dưới bóng cây) (4, Tr. 53)… Hết “giang trình” lại chầm chậm “sơn hành”, hết “túc Giát quán” liền neo đậu “Cảnh Dương môn”,… không một nơi nào không có dấu chân cụ Tuấn, vả không nơi nao lại không in hình thiên cảnh hữu tình. Mỗi cảnh lại ẩn ức những nền tảng luân lý thâm sâu, những cảm xúc tâm lý nhiệm mầu mà qua lời thơ, có thể thấy, Đoàn Nguyễn Tuấn là một con người nặng gánh với giang sơn, bền lòng với đất tổ, man mác những buồn vui thâm trầm cùng thời thế: “Phong tục bất đồng, cương vực dị, / Thùy tương khai thác ngộ tiên triều” (風俗不同,疆域異,/ 誰將開拓牾先朝 – Phong tục bất đồng, đất đai cũng khác,/ Ai xui khai thác làm lỡ triều xưa) (4, Tr. 103). Trong Yên Đài thu vịnh (những bài thơ được viết khi đi sứ Trung Quốc), dù thân đương ngự lãm nơi đất khách, hồn vừa thưởng ngoạn chốn tha phương, Nguyễn Tuấn vẫn thẳng thắn ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước Đại Việt, đặt xứ người với xứ ta trong mối tương quan đối sánh chênh lệch bằng bút pháp “đòn bẩy”, từ đó làm bật lên những hình tượng thanh tú, diệu mỹ nơi quê hương xứ sở:

“Tàn hồng vô lực khống băng thiên,
Tiều tụy từ chi, giáp chẩm biên.
Tranh tự Việt Nam sinh ý hảo,
Bất tùy kim lệnh trụy phương nghiên.”

(Hồng tàn không sức chống trời băng,
Xạc xào quanh gối lá lìa cành.
Đâu bằng đất Việt tràn sức sống,
Hương sắc thu sang chẳng rụng tàn.) (4, Tr. 294)

Dưới góc độ phê bình sinh thái, có thể thấy trong thơ cụ Đoàn luôn hiện hữu những mối tương giao và thấu cảm giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, trong khi ngoại cảnh trở thành đối tượng sáng tạo thì tâm cảnh đã vô tình thực hiện chức năng lý tưởng hóa ngoại cảnh thành những hình tượng đặc trưng mang tính độc lập. Nếu có ai đó nhìn từ “Điệp Sơn bắc vọng” mà hiểu được áng mây không khác chốn u phù, một mình “quá cảnh Lãm sơn”, thôi tưởng đến cảnh “quỳnh diên di yến, hoa triền hạ” (Ở dưới rặng hoa, in dấu tiệc quỳnh) mà ngẫm vật không khác chi cái “lầu thẫn khí” (chỉ sự phồn hoa) chắc chỉ có mỗi cụ Tuấn. Đó là điều mà các nhà phê bình sinh thái học, đặc biệt là Karen Thornber thường gọi chung là những “mơ hồ sinh thái” (ecoambiguity), “mơ hồ” tức không có một quy chuẩn nào đúng đắn cho việc sử dụng thiên nhiên làm biểu tượng biểu đạt. Phải nhận định rằng cảm thức thiên nhiên khi nhập tâm vào hệ tư tưởng của thi nhân với mỗi người thường có những tách bạch về mặt quan điểm, trong tâm thức sẽ nảy sinh nên những quan niệm phi đồng nhất về hình tượng (differ about the images). Cũng là trăng nhưng với Nguyễn Trãi, trăng là bằng hữu: “Mây khách khứa, nguyệt anh tam”; với Nguyễn Du, trăng mang nét tinh tế của các bậc thiên sĩ: “Thường Nga trang kính vi khai hạp/ Tráng sĩ loan cung bất thướng huyền” (嫦娥妝鏡微開匣,壯士彎弓不上弦。- Tấm gương của chị Hằng Nga chưa hé nắp,/ Vành cung tráng sĩ chưa mắc dây) còn với Đoàn Nguyễn Tuấn, trăng mang dáng hình e ấp của người chinh phụ, mang thanh vị trống trải của kẻ chinh phu, nồng đặc tinh thần tình ái: “Thiên nữ quan đăng trâm ngọc mấn, /Chinh phu ỷ kỷ dục băng hồ” (天女觀燈簪玉鬢,/ 征夫依椅浴冰湖 – Thiên nữ xem đèn, cài mái tóc ngọc,/ Chinh phu tựa ghế, tắm trong bầu băng) (4, Tr. 129). Qua đó, người đọc có thể nhận thấy, cảm thức sinh thái trong thơ Đoạn Nguyễn Tuấn được chuyển lưu dưới nhiều góc độ, nhiều bình diện, được thể hiện qua nhiều hình thức, nội dung, từ đó thấy rõ một cách bao quát điểm nhìn của thi nhân khi quán chiếu về thế giới.

Thứ hai, có thể nhận thấy trong nhiều áng thơ mà Đoàn Nguyễn Tuấn trước tác nên, có rất nhiều bài vương vấn tinh thần của “ý thức hành tinh” (Planet conscious), “ý thức” này đòi hỏi người sáng tạo phải nhận chân được tính “hoàn hảo” của tự nhiên, tức tuân theo quy luật trong vũ trụ và mỹ cảnh của thế gian, không cần đến bàn tay con người chạm trổ, nhận thức được sự tồn hữu của tự nhiên là tuần hoàn bất biến, là trường tồn vĩnh cửu, như lời chứng ngộ của Chân Không thiền sư:

春來春去疑春盡,
花落花開只是春.

Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.

Hai câu này đã được cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục dịch sang Việt ngữ như sau:

Xuân qua xuân lại ngờ xuân tận,
Hoa nở hoa tàn vẫn là xuân.

Trong thơ Việt Nam, cảm thức về hành tinh thường gắn chặt với ý niệm thiền hành, tức quán chiếu thân người trong sự tuần hoàn, thịnh suy của vạn vật, không phân biệt giữa người với ta, nhân và cảnh. Cho thấy mọi sự khi vừa chớm khởi sinh đều đã tự mình hàm thủ cái quy luật thành – trụ – hoại – không này và do đó, khi một nhà thơ nhận thức rõ bản chất của vũ trụ là bất biến thì cũng là lúc tâm khảm khởi sinh nên những ý niệm mà Duy Thức Học trong Phật giáo, phần Trung Quán luận của Long Thọ Bồ Tát gọi là “hằng chuyển”: Bất sanh diệc bất diệt/ Bất nhất diệc bất dị/ Bất đoạn diệc bất thường/ Bất khứ diệc bất lai. (Không sanh cũng không diệt/ Không đồng nhất cũng không khác nhau/ Không tách rời cũng không lâu dài/ Không đi cũng không tới) (5, Tr. 88), là điều mà trong tư duy Dịch lý có nhắc nhở: “Tử Viết: “Dư dục vô ngôn!”. Tử Cống viết: “Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên?”. Tử viết: “Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách tính sinh yên, thiên hà ngôn tai?” (子曰:「予欲無言。 」子貢曰:「子如不言,則小子何述焉?」 子曰:「天何言哉?四時行焉,百物生焉,天何言哉?」- Khổng Tử nói: “Ta thật không muốn thuyết giảng!”, Tử Cống nghe vậy hỏi: “Thầy mà không giảng chúng con biết lấy gì mà học theo”, Khổng Tử đáp lại: “Trời có nói gì đâu! Bốn mùa vận hành, muôn vật sinh sôi. Trời có nói gì đâu!”). Phảng phất trong thơ Đoàn Nguyễn Tuấn có những câu như: “Thẩn thị thiên nhiên thể chất tĩnh,/ Hà tu hoạch chúc giả nhân văn” (矧是天然體質靜,何修畫屬者人文 – Huống chi bản chất thiên nhiên vốn ưa tĩnh,/ Cần chi mượn tay con người chạm trổ vẻ văn hoa) (4, Tr. 60 – 61) hay như trong bài Thu thảo có viết:

Thu lai, thảo sắc tận thành ban,
Điểm xuất sầu nhân mãn nhất ban!
Vị hứa phong trần chung quản thúc,
Dương xuân sinh hậu hảo khai nhan.

(Thu sang màu cỏ điểm màu sương,
Như tóc người buồn điểm sợi buồn.
Chẳng chịu bụi trần vương vấn mãi,
Xuân sang nắng ấm cỏ xanh rờn.)

đó là những biểu hiện minh bạch chứng tỏ “ý thức hành tinh” luôn tồn tại trong thân tâm và vốn sống của tác giả. Không chỉ thế, khi đứng dưới góc độ của lý thuyết sinh thái học chiều sâu (deep ecology), ở trong thơ Đoàn Nguyễn Tuấn thường bàng bạc tinh thần của quan điểm bảo tồn (preservationist), đặt tự nhiên trong sự “vô nhân” (non – human), không cần đến bàn tay nắn nót của con người và vì đứng dưới góc độ đó mà trong thơ của ông có ba mặt biểu hiện: Thứ nhất, trân trọng những gì vốn dĩ thuộc về “thiên địa chi thời lợi” (天地之時利) tức tôn trọng những gì thuộc về “sự an bài” của thiên nhiên, của con tạo: “Luân đàn đáo để chỉ an bài” (輪彈到底止安排 – Làm bánh xe, làm viên đạn chỉ theo sự an bài của tạo hóa) (4, Tr. 222). Thứ hai, vì trân trọng quy luật của thiên tạo mà ông cực lực bài xích, phản đối những cải tạo làm tổn hại tự nhiên, những hành vi làm trái với quy luật luân thường như trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử có nói rằng: “Phù hĩnh tuy đoản, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi, tục chi tắc ưu, cố tính trường phi sở đoạn, tính đoạn phi sở tục, vô sở khứ ưu dã”. (鳧脛雖短,鶴脛雖長,斷之則悲,續之則憂,故性長非所斷,性短非所 續,無所去憂也 – Chân vịt tuy ngắn, chân hạc tuy dài, cắt đi sẽ đau, nối vào sẽ khổ, cho nên cái gì vốn sinh ra đã dài thì không nên cắt ngắn, cái gì vốn sinh ra đã ngắn thì không nên nối thêm cho dài, (vì thế) không còn gì là đau khổ nữa), như việc “lạc mã thủ, xuyên ngưu tị” (絡馬首,穿牛鼻 – cột đầu ngựa, xỏ mũi trâu), đó là những hành vi nghịch luân buộc con người phải dừng lại. Thậm chí, phản đối thứ “nghệ thuật nhân tạo”, sùng thượng tự nhiên và đề cao cái đẹp “giản”, “phác”, “đạm”, “chuyết”. Chung Vinh 鍾嶸 (Thi Phẩm) – nhà phê bình thời Nam triều đã nêu ra nguyên tắc thẩm mỹ “tự nhiên anh chỉ” (自然英旨), phản đối sự gọt đẽo, nhúng tay của con người và do đó, ông cực lực đề cao cái đẹp tự nhiên trong thơ Lý Bạch: “Thanh thủy xuất phù dung, Thiên nhiên khứ điêu sức” 清水出芙蓉, 天然去雕飾 (theo lời giáo sư Lí Tề Dã), nghĩa là: Hoa sen mọc lên từ nước trong, Thiên nhiên không cần phải bài trí, gia công. Đoàn Nguyễn Tuấn cũng thế! Ông đã tiếp thu tinh thần văn phong xưa và nền tảng triết lý cổ điển để từ đó nhấn mạnh đến những vấn đề thuộc về tự nhiên, hình thành nên đôi câu: “Chủ nhân bất giải phù sơ ý,/ Mạn khuất danh hoa xử tiểu bồn” (主人不解榑疏意,/ 偭屈名花處小盆 – Chủ chẳng hiểu lòng lan muốn sum sê,/ Nỡ ép hoa quí sống trong chậu nhỏ) (4, Tr. 121) mang đậm tính triết luận. Thứ ba, vì không thích hành xử những điều trái với tự nhiên thế nên giữa Nguyễn Tuấn và ngoại cảnh luôn có sự giao hòa, thuận ý, tồn tại trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ khách khứa – chủ cả, thậm chí có lúc, ông bỡn cợt cả với thiên nhiên bằng lối văn dí dỏm: “Thiềm tinh lộng nguyệt phô dao ảnh,/ Lân giác xâm vân xuất tú phong” (蟾星弄月鋪瑤影,/ 驎角侵雲出秀峰 – Tinh thiềm giỡn trăng phô bóng ngọc dao,/ Sừng lân chạm mây, nhô lên núi đẹp). (4, Tr. 77). Qua luận điểm trên, có thể thấy trong Đoàn Nguyễn Tuấn luôn thường trực ý thức sinh thái vũ trụ, đặt con người trong mối quan hệ cộng sinh, cùng đáp ứng, cùng thích nghi. Đó không chỉ là nơi trú ngụ của con chữ mà còn là nơi trú ngụ tâm linh của thi nhân, là chốn đệm êm, là vùng thanh thản ru hồn tác giả vào những giấc mộng lành thư thái, dịu dàng.

Thứ ba, thơ văn của Đoàn Nguyễn Tuấn được viết từ tiêu điểm “vùng sinh thái” (bioregionalist), có sự chuyển giao giữa “sinh thái học tự nhiên” sang “sinh thái học tinh thần” mà nói như GS Trần Đình Sử là “…lấy tư tưởng sinh thái làm trung tâm, qua đó giải quyết các vấn đề sinh thái xã hội, xác lập lí tưởng sống cao đẹp, khắc phục các ô nhiễm tinh thần, làm cho tinh thần trong sạch, cân bằng, góp phần làm ổn định xã hội…” Không chỉ đơn giản là ý thức bảo tồn những giá trị vốn có của môi trường mà còn là ý thức giữ gìn những tinh hoa giá trị về mặt tinh thần, đạo đức của con người. Và dĩ nhiên, trong khi phân tích về “sinh thái học tinh thần” luôn luôn tồn tại mối mâu thuẫn giữa “ý muốn chủ quan” và “quá trình khách quan”. Khi đọc thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, có thể thấy giữa ông và những kẻ vô danh trong quy luật sinh thái luôn tồn tại những phản đề, những sự đối nghịch và trái chiều giữa “thực” và “mộng”, giữa “chủ thể” và “khách thể”, bản thân cụ Hải Ông luôn đặt ra những câu hỏi mang tính cật vấn về các vấn đề “niềm tin, tín ngưỡng, lí tưởng, tưởng tượng, phản tư, cảm ngộ, đòi hỏi, ước mơ” (Lỗ Khu Nguyên) hầu bộc bạch những quan niệm của mình về tinh thần nhân sinh quan và thế giới quan. Điểm nhìn trong thơ luôn trong trạng thái luân phiên chuyển giao từ ngoại cảnh đến nội cảnh, từ bao quát đến cụ thể, như câu: “Khuất thân thân dữ đạo,/ Thùy thị thánh nhân ưu?” (屈身伸與道,誰是聖人憂 – Co duỗi thân với ĐẠO,/ Ai là người lo cho thánh nhân?) (4, Tr. 236). ĐẠO là cái bao quát nhưng THÁNH NHÂN lại là cái cụ thể. Ở đây ý niệm sinh thái tự nhiên chuyển hẳn sang ý niệm sinh thái tinh thần để từ đó luận bàn về những vấn đề mang tính xã hội trong môi trường “hữu nhân” (Humanity). Nó đi theo phép toán:

Sinh thái tinh thần = Sinh thái tự nhiên + Ý hướng của tâm hồn. (“Ý hướng của tâm hồn, tinh thần là cái vạch phương hướng cho sự sống bản năng” – Trần Đình Sử).

Hiểu được quy luật của vạn cảnh không hẳn chỉ để thỏa mãn cái lòng với ngoại vật mà còn để đúc kết một giá trị sống, một tinh thần sống tích cực, dám tập trung nhìn thẳng vào thời thế mà tạo cho mình một hướng đi đúng đắn: “Thượng chí giác tiên cơ,/ Hạ ngu bất tri chỉ./ Lâm lưu nhất tẩy túc,/ Vấn quân tinh dã vị?” (上志覺僊機,/ 下愚不知止。/ 臨流一洗足,/ 問君惺也為?- Người khôn nhất thì thấu lẽ “tiên cơ” (biết trước sự vận động của vạn vật),/ Kẻ ngu ngục không biết tự dừng bước./ Đến sông một lần rửa chân,/ Hỏi ông đã tỉnh táo hay chưa?) (4, Tr. 234) Thực tế trong môi trường nhân văn, không có gì là bền vững, dù có ở trên cao như những bậc vương giả hay ở dưới đáy như những kẻ cố cùng, vẫn không thoát khỏi quy luật hoại diệt, chỉ thấy có tự nhiên là bất diệt: “Thánh hiền an hữu thiên niên quốc,/ Nhân bạo đồng qui bán cục kỳ” (聖賢安有千年國,仁暴同歸半局棋 – Dù là bậc thánh hiền, làm gì có vận nước ngàn năm,/ Nhân từ hay bạo ngược, rốt cuộc chỉ như nửa ván cờ) (4, Tr. 255) và do đó khi đã trên đà suy vong, cần “tri túc”, “tri chỉ”, sống “thuận thiên”, đặt mình trong mối quan hệ sinh thái tinh thần và sinh thái tự nhiên, đan quyện hai mấu chốt tương giao ấy, quả thật chỉ có những bậc đại ngộ như cụ Tuấn mới có thể làm được: “Khinh cừu tệ tận chế tân hà” (輕裘敝畫制新荷 – Áo cừu nhẹ rách hết, sẽ may áo lá sen mới) (4, Tr. 254). Qua đó, ta có thể thấy được rằng dưới góc độ phê bình sinh thái học và khi nghiên nghiên cứu thơ văn của Đoàn Nguyễn Tuấn, người đọc được mở mang dưới nhiều ánh nhìn, nhiều chiều kích, từ đó thấy được tầm tư tưởng cao viễn, tầm tư duy uyên thâm và tầm biện luận sắc sảo. Mỗi bài thơ là một lời nhắn nhủ, cho con người, cho tự nhiên và cho những gì hiện hữu trên cõi thế phù này.

Martin Heidegger có nói, đại để như sau: Thơ là một trong những thể loại trực diện trước vấn đề tự nhiên, hay nói thơ ca là nơi trú ngụ quan trọng nhất của tự nhiên. Từ câu này, sau những quan chiếu khi đọc thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, ta có thể thấy trong ông bàng bạc âm hưởng của cảm thức xanh. Cái cảm thức ấy chi phối ánh nhìn sáng tạo của tác giả, đưa người đọc qua những cung đường diệu vợi của thiên nhiên bốn bề. Thơ ông tuy không thuộc hẳn về khuynh hướng văn học điền viên (Pastoral Literature) thế nhưng trong thơ Hải Ông luôn có những nét bảng lảng của tư tưởng “quy khứ lai từ”, do đó, khi đọc thơ cụ Tuấn dưới góc độ phê bình sinh thái học tự nhiên và sinh thái học tinh thần, người đọc không những chỉ ra được những vấn đề mang tính bao quát mà còn cụ thể chỉ ra được những khía cạnh mang tinh thần thời đại. Vận trời tuy biến chuyển, huyền cơ tuy đảo điên song tinh anh sông núi vẫn còn đó dưới vòm trời vĩnh cữu, hằng hữu cùng không gian địa lý, cùng thời gian mông mênh. Dẫu có qua trăm ngàn ức kiếp, Đoàn Nguyễn Tuấn đâu đó vẫn sống mãi trong “ngôi nhà của tồn sinh”, trong “ngôi nhà của lý tưởng thơ ca vĩ đại”. Tôi tin chắc là vậy!

CHÚ THÍCH

(1) Cheryll Glotfelty & Harold Fromm, The ecocriticism Reader: Landmarks in literary ecology. The university of Georgia Press, 1996, P18. (Đỗ Văn Hiểu đã dẫn)

(2) Dẫn theo Vương Nhạc Xuyên, Văn học sinh thái và phê bình văn học sinh thái, Học báo Đại học Bắc Kinh, số 2, năm 2009. (Trần Đình Sử đã dẫn)

(3) Nguyễn Hiến Lê (2016), Lão Tử – Đạo Đức Kinh, NXB Tổng hợp TP. HCM, TP. HCM, Tr. 173.

(4) Viện nghiên cứu Hán Nôm (1982), Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn – Hải Ông thi tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

(5) Thích Quảng Liên (1972), Duy thức học, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa và Triết học Đông phương Quảng Đức, Sài Gòn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Văn Hiểu, Tính khả dụng của phê bình sinh thái, đăng vào ngày 15/09/2016 trên trang dovanhieu.wordpress.com, truy cập ngày 27/6/2019. https://dovanhieu.wordpress.com/2016/09/15/tinh-kha-dung-cua-phe-binh-sinh-thai/
  2. Trần Đình Sử, Phê bình sinh thái tinh thần trong văn học hiện nay, đăng ngày 9/2/2015 trên trang trandinhsu.wordpress.com, truy cập ngày 27/6/2019. https://trandinhsu.wordpress.com/2015/02/09/phe-binh-sinh-thai-tinh-than-trong-nghien-cuu-van-hoc-hien-nay/
  3. Karen Thornbern, Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, đăng ngày 14/2/2017, truy cập ngày 27/6/2019. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/6289-nh%E1%BB%AFng-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-c%E1%BB%A7a-ph%C3%AA-b%C3%ACnh-sinh-th%C3%A1i-v%C3%A0-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc.html
  4. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Cảm thức xanh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và một vài suy nghĩ về phê bình sinh thái, đăng ngày 28/3/2018, truy cập ngày 27/6/2019. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/6946-c%E1%BA%A3m-th%E1%BB%A9c-xanh-trong-truy%E1%BB%87n-ki%E1%BB%81u-c%E1%BB%A7a-nguy%E1%BB%85n-du-v%C3%A0-m%E1%BB%99t-v%C3%A0i-suy-ngh%C4%A9-v%E1%BB%81-ph%C3%AA-b%C3%ACnh-sinh-th%C3%A1i.html
  5. Đỗ Văn Hiểu, Phê bình sinh thái – Cội nguồn và sự phát triển P1, đăng ngày 11/3/2013 trên trang Phê bình văn học, truy cập ngày 26/6/2019. https://phebinhvanhoc.com.vn/phe-binh-sinh-thai-coi-nguon-va-su-phat-trien-phan-1-2/.
  6. Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2016), Lão Tử – Đạo đức kinh, NXB Trẻ, TP. HCM.
  7. Thạc Đức (1953), Duy thức học thông luận, NXB Phật học đường Nam Việt, Sài Gòn.

Leave a comment